Những bài học khởi nghiệp từ phim “Vua bánh kẹp”
Trong lịch sử điện ảnh không ít phim nói về lĩnh vực kinh doanh khởi nghiệp, có thể kể đến The Social Network, Pirates of Silicon Valley, The Pursuit of Happyness, Wall Street, Smartest Guys in the Room, Moneyball. Mỗi phim phô diễn cho khán giả một câu chuyện với những bài học và mục tiêu khác nhau nhưng đích đến của chúng suy cho cùng chính là con đường đi tới thành công.
Waffle Street (Vua bánh kẹp) cũng là một bộ phim như thế! Đây là tác phẩm được chuyển thể từ một câu chuyện có thật trong cuốn hồi ký của James Adams.
Jimmy một nhà tài chính xuất sắc có tiền, có xe, có nhà, có một vị trí đáng nể trong công ty tài chính Alpha. Ngỡ như sự nghiệp phía trước đang thênh thang rộng mở thì bất ngờ anh bị sa thải.
Họ sa thải không phải vì anh không được việc mà bởi anh quá giỏi, quá tài. Họ sợ anh là quả bom cản trở vị trí, tương lai, tiền bạc của họ. Jim đã rất trung thành và ban lãnh đạo của Alpha đã lợi dụng điều đó rồi đá anh ra rìa như đá một trái bóng. Hẳn nhiên là Jim hoàn toàn bị động và suy sụp trong tình huống đớn đau này.
Tôi thực sự ấn tượng với câu nói được lặp đi lặp lại gần chục lần ngay đầu phim: “Những gì chúng ta làm là hợp pháp, do đó nó chẳng có gì là phi đạo đức cả. Nó đã từng là phi đạo đức và vì vậy cũng bị coi là vi phạm pháp luật”. Đó như là câu thần chú Jim nhắc nhở mỗi ngày, bởi chính anh cảm thấy tội lỗi khi mình giàu lên còn những người khác thì càng ngày càng nghèo đi.
Và rồi, mọi thứ đều bị chôn vùi bởi Alpha đã ép anh như một kẻ phạm sai lầm. Sự nghiệp tài chính của anh hoàn toàn chấm dứt. Không một công ty nào liên hệ với anh!
Sau khi nỗ lực ở nhiều công việc khác nhau, Jim chọn vào làm ở một nhà hàng 24 giờ. Tại đây anh được tiếp xúc với nhiều người và kết bạn với Adward Collins, người đã dạy cho anh nhiều bài học giá trị về cuộc sống, trong đó không ít kinh nghiệm về kinh doanh, khởi nghiệp.
“Những thành tích tuyệt vời được tạo ra từ những hi sinh tuyệt vời”. Nhìn thấy điều đó từ thành công của Adward, Jim đã chấp nhận rủi ro để hi sinh một vài thứ. Đầu tiên anh đổi xe, bán nhà và dành hết tâm huyết vào công việc tại cửa hàng Papa’s. Thời gian làm việc của anh tăng dần đến mức anh không còn thời gian quan tâm chăm sóc người vợ đang mang thai đứa con đầu lòng nữa.
Thế nhưng Papa’s vẫn không thuộc về anh.
Ở bộ phim này chúng ta không thấy một ông vua bánh kẹp ngày ngày hì hục nướng bánh trong bếp để giàu có, song chúng ta có thể thấy những chân lý vĩ đại. Đó là sức mạnh khủng khiếp của quyền lực, tiền bạc, sự ngạo mạn và những thành quả của niềm hy vọng, sự cố gắng, tính kiên trì.
Bên cạnh đó bộ phim cũng cho người xem trải nghiệm những khoảnh khắc của thành công, sự phản bội và nhắc nhở chúng ta về tiềm năng, khuyết điểm của bản thân mình.
Tuy Jim không thể trở thành ông chủ của cửa hàng Papa’s nhưng nó lại là nơi khai sinh và tạo nên bước khởi đầu mới cho sự nghiệp lẫy lừng của anh về sau.
Jim đã tự tin đứng trên đôi chân của mình, bằng việc thành lập công ty tài chính nhưng định hướng kinh doanh của anh không phải là kiếm tiền bằng mọi giá như Alpha. Jim kinh doanh và làm giàu cùng các đối tác.
Phim không chỉ là giải trí, nó còn truyền động lực và cảm hứng để mỗi chúng ta tiếp tục những dự định riêng.
Tin tôi đi, vì ai trong chúng ta cũng có những ý tưởng của riêng mình.